Ngọn Hải đăng giữa trời giông tố.
(Bài viêt chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch)
Tóm tắt bài viết: Sự phát triển của Internet cùng các dịch vụ trên không gian mạng đã tạo nên bước phát triển đáng kinh ngạc đối với các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đứng trước cơ hội bứt phá về khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều thách thức về chính trị khi các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng bước tiến này làm nhiễu loạn thông tin, kích động quần chúng nhân dân. Trong cơn bão thông tin ấy, chúng ta cần tìm cho mình nguồn sáng niềm tin, một ngọn hải đăng để ý chí, tinh thần không lầm đường, lạc lối, để vững vàng trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nội dung bài viết:
Trong giai đoạn năm 2014 - 2016, mạng xã hội Facebook xôn xao vụ “mẹ Nấm” – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (sinh năm 1979, ngụ phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) liên tục đăng tải trên trang Facebook cá nhân các bài viết với nội dung lệch lạc, nói xấu Đảng và chống phá Nhà nước Việt Nam; xuyên tạc các thông tin chính thống; cường điệu, nghiêm trọng hóa các vấn đề xã hội theo quan điểm công kích; tiêm nhiễm tinh vi ý tưởng đòi thay đổi chế độ chính trị. Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn tung ra tập tài liệu “Stop police killing civilians” (tạm dịch: Chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường) do chính cô ta tổng hợp, biên tập một cách phiến diện, vu cáo, kích động người đọc.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và đồng bọn với sự trợ lực của các tổ chức phản động nước ngoài còn tổ chức xuống đường biểu tình, ký tên thỉnh nguyện thư,.v.v…Thâm độc hơn, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn dẫn theo con ruột mình (chưa thành niên) trong các vụ xuống đường để làm lá chắn; đăng lên Facebook các hình ảnh phản cảm, không thể kiểm chứng, cáo buộc bị cơ quan chức năng Việt Nam đàn áp.
Ngày 30/11/2017, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm và bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 10 năm tù đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vì tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Khoản 1, Điều 88, Bộ Luật Hình sự.
Vụ mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh kể trên chỉ là một trong số nhiều vụ việc trong các năm gần đây xem thường các quy định pháp luật trong Hiến pháp, lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, nhất là quyền tự do ngôn luận để tung hỏa mù thông tin nhằm kích động, xuyên tạc khiến nhiều người lầm tưởng, ủng hộ. Các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok,…trở thành công cụ hữu ích cho bọn chúng phát tán, truyền bá hàng loạt thông tin sai lệch, chống phá Đảng và Nhà nước. Một bộ phận người dân với tâm lý tò mò, hiếu kỳ, sợ bỏ lỡ các thông tin trong đời sống nên thường click vào các clip và bài viết có tiêu đề giật gân, câu dẫn. Tâm lý học gọi đây là hội chứng FOMO (viết tắt của Fear Of Missing Out).
Hội chứng tâm lý FOMO được hiểu như một nỗi sợ hãi là bản thân sẽ bỏ lỡ những điều thú vị hoặc hấp dẫn trong cuộc sống; sợ người khác được biết, được trải nghiệm còn mình thì không.[1] Đứng trước cơn bão thông tin chưa hề được kiểm định, đa số thường sẽ click vào với suy nghĩ “xem thử cho biết” mà không hề lường trước rằng từng chút một thông tin đó sẽ tiêm nhiễm vào nhận thức của bản thân. Các thế lực phản động thường lợi dụng hội chứng tâm lý này bằng cách đưa lên những tiêu đề gây hấn, nội dung trái chiều với các thông tin chính thống, ngôn từ bạo lực, chợ búa; thậm chí còn chi trả tiền quảng cáo, đưa các bài viết này xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội hoặc chèn vào các diễn đàn nhiều thành viên tham gia.
Không chỉ riêng Việt Nam mà toàn thế giới đang sống trong thời kỳ hoạt động đỉnh cao nhất truyền thông đại chúng từ trước đến nay; khi mà thiếu thông tin thì con người cảm tưởng như mình đang sống giữa hoang đảo nhưng quá nhiều thông tin thì lại là “lợi bất cập hại”, là “con dao hai lưỡi” đối với người tiếp nhận thông tin. Sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội là nguyên nhân chính của hiện trạng này.
Theo Báo cáo Việt Nam DIGITAL 2021 do We Are Social and Hootsuite thống kê (số liệu tính tới thời điểm tháng 01/2021) thì: Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là 68.720.000 người, tăng 551.000 người (tăng 0,8%) trong giai đoạn 2020-2021, chiếm 70,3% dân số; số lượng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là 72 triệu (tăng hơn 7 triệu người trong vòng 1 năm), tương đương 73,7% tổng dân số, tăng 7.000.000 người (tăng 11%) trong giai đoạn 2020-2021…[2]
Có thể thấy, mỗi ngày, khi mở các trang mạng xã hội lên để lướt tin tức, có cảm tưởng như chúng ta phải đối diện với cơn giông tố thông tin khi liên tục nhiều vụ việc, nhiều luồng ý kiến trái chiều ập đến khiến ta choáng ngợp. Không chỉ các cơ quan, tổ chức mà mỗi cá nhân có trong tay thiết bị điện tử như smartphone hay laptop đều có thể đóng vai trò như “một cơ quan quan thông tấn” đưa ý kiến cá nhân công khai rộng rãi trên một hay nhiều mạng xã hội. Trong mớ hỗn độn thông tin không chỉ trong đời sống mà còn trên không gian mạng, con người cần một điểm tựa cho lý trí, cần “ngọn hải đăng” soi sáng để bình tâm, sáng suốt trước cơn bão thông tin, để tránh để bản thân bị dẫn dắt, trở thành công cụ cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng.
Hiện nay, đại đa số quần chúng nhân dân chưa hình thành thói quen kiểm chứng thông tin và thường chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động, bột phát hành vi theo cảm tính. Vậy tìm đâu “ngọn hải đăng” trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay? Làm thế nào để chúng ta duy trì “ánh sáng hải đăng” giữa những cơn giông bão?
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên là nội dung tiên quyết, cốt lõi khi thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cấp ủy Đảng cần duy trì, bền bỉ trong thực hiện các biện pháp bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nỗ lực thực hiện ngày một tốt hơn các chính sách an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo; chính sách về sức khỏe cộng đồng; chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; chính sách ưu đãi đối người có công với nước; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;.v.v…Đồng thời, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội; quan tâm công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết thỏa đáng, minh bạch, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến các dự án đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường,.v.v...Nói cách khác là quan tâm, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống Nhân dân để niềm tin của người dân ngày càng được củng cố, bền vững.
Ngoài ra, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, nắm bắt thông tin trong đời sống cũng như trên môi trường mạng. Các cấp ủy đảng thông qua đó tăng cường phát hiện sớm, chỉ đạo xử lý sớm và dứt điểm các vụ việc phức tạp, nổi cộm, không để hình thành “điểm nóng”, tránh tạo cớ cho các đối tượng phản động, thù địch lợi dụng chống phá.
Đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; đặc biệt là đối với thế hệ trẻ thì phương pháp truyền đạt cần linh hoạt, dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Thế hệ trẻ rất nhạy bén với việc ứng dụng công nghệ và nắm bắt thông tin song bản lĩnh chính trị nhiều khi còn non nớt là “miếng mồi ngon” đối với các thế lực phản động, chống phá lợi dụng. Đợt bùng phát dịch Covid-19 năm 2021 vừa qua là một ví dụ, nhiều thanh thiếu niên đăng tải hoặc chia sẻ, bấm thích các bài viết mang tính giật gân, câu view, kích động trong khi bản thân chưa nhận thức hết được tầm nghiêm trọng của vấn đề. Do sức tự đề kháng còn yếu, thanh thiếu niên cần sự dẫn dắt, định hướng đúng đắn, xây dựng bản lĩnh trước các thông tin tiêu cực, lệch lạc.
Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp của các kênh thông tin, truyền thông chính thống trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Các kênh thông tin, truyền thông chính thống tại Việt Nam hiện nay có thể kể ra như:
- Kênh truyền hình quốc gia và các địa phương (VTV, HTV, Quốc hội, QĐND,..).
- Kênh phát thanh (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền thanh các địa phương).
- Các báo in, báo điện tử là cơ quan ngôn luận của các hội, đoàn thể, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt nam và các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội khác.
- Các website, trang mạng xã hội do các hội, đoàn thể, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt nam và các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội khác xây dựng nội dung thông tin.
Theo Báo cáo năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử). Trong đó, có 230 báo, tạp chí thực hiện 02 loại hình; 557 báo, tạp chí in; 29 báo, tạp chí điện tử,….[3]
Các kênh thông tin, truyền thông chính thống kể trên là một phần quan trọng của truyền thông đại chúng với sứ mệnh cao cả là chủ thể phản ánh đời sống xã hội, định hướng dư luận xã hội và trong sạch, minh bạch nguồn tiếp nhận thông tin cho quần chúng nhân dân với mục tiêu “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.
Các kênh thông tin, truyền thông chính thống cần tăng cường thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình thời sự chính trị, các sự kiện quan trọng của đất nước, của địa phương; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng; gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội đến các tầng lớp nhân dân một cách đầy đủ, chính xác, nhanh chóng, kịp thời.
Đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…theo hướng đa dạng, hấp dẫn, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục phù hợp với đối tượng người nghe. Chú trọng việc tổ chức thông tin tuyên truyền hướng về cơ sở, nhất là ở địa bàn thôn, tổ dân phố, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo. Đối với các địa bàn này, nên chú trọng phương thức tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở và thông qua những người có vị thế, có tiếng nói trong cộng đồng.
Hiện tại, các quy định pháp luật trong Hiến pháp, Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đều hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Song song đó, các văn bản pháp luật cũng chỉ rõ: Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động chiến tranh, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, hoặc danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án,…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, thường xuyên theo dõi các vấn đề báo chí, mạng xã hội phản ánh liên quan đến ban, ngành, địa phương. Trường hợp phát hiện thông tin giả, sai sự thật, cần kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để có hướng xử lý, đính chính thông tin và cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí để đăng tải thông tin chính xác nhằm định hướng dư luận xã hội; tránh để các đối tượng phản động, thù địch lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân để xuyên tạc, đưa thông tin giả mạo. Đồng thời, đưa thông tin chính xác lên Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ ba, các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác theo dõi, phát hiện sớm các hoạt động chống phá và đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc
Đối với các luồng thông tin tiêu cực, kích động hàng ngày hàng giờ tràn lan trên Internet, trên các trang mạng xã hội, việc phát hiện sớm để kịp thời ngăn chặn, xử lý, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động, thù địch là hết sức quan trọng. Vì chỉ cần chậm trễ trong việc xác định thông tin và chậm có phương án đối phó thì ma trận thông tin nhiễu loạn rất nhanh chóng sẽ xâm lấn trong cộng đồng, khiến quần chúng nhân dân mất phương hướng, dễ ngả theo chiều hướng xấu.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp bất mãn chính trị hoặc có quan điểm khác nhưng chưa nghiêm trọng, những trường hợp chỉ đơn thuần là có cách nhìn nhận vấn đề khác biệt thì cần quan tâm gặp gỡ, đối thoại, phân tích với tinh thần cầu thị, cởi mở, kiên trì thuyết phục, cảm hóa để họ nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, cùng xây dựng xã hội tiến bộ, tốt đẹp; còn với các đối tượng phản động cố tình chống đối, chống phá Đảng và Nhà nước thì cần kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm nắm bắt tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; định hướng thông tin dư luận xã hội, đặc biệt khi xảy ra các vụ việc có thể bị lợi dụng để trở thành quân bài kích động của các thế lực thù địch. Ví dụ: Vụ gây ô nhiễm môi trường của Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; vụ khai thác, chế biến quặng bôxit, sản xuất alumin và luyện nhôm tại khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ,…Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần linh hoạt theo dõi, phát hiện sớm hoạt động chống phá, chủ động đánh giá, dự báo chiều hướng xảy ra để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tránh để kéo dài tạo thành điểm “nóng” về an ninh - chính trị - xã hội.
Thứ tư, nâng cao vai trò của mỗi Đảng viên
Theo Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới thì “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Thành trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được xây dựng nên từ từng người Đảng viên vững vàng, bản lĩnh. Sự vững vàng, bản lĩnh ấy đến từ kiến thức tích lũy qua việc chuyên tâm học tập tư tưởng của Bác; từ nghiên cứu có hệ thống, bài bản lý luận chính trị, đặc biệt các nghị quyết của Đảng; từ việc thường xuyên cập nhật các thông tin thời sự chính thống, nhận diện những thông tin thù địch, kích động. Nếu ví mỗi người Đảng viên là một giọt nước thì toàn thể đội ngũ có thể tạo thành cơn sóng lớn quét sạch bè lũ phản động, chống phá trong và ngoài nước.
Đã là Đảng viên thì khi sử dụng mạng xã hội hay trong giao tiếp hằng ngày phải chia sẻ, đăng tải những thông tin chính thống, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đặc biệt tuân theo “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021 (kèm theo Quyết định số 874/QĐ - BTTTT).
Bộ Quy tắc này gồm 3 chương, 9 điều, có hiệu lực từ ngày 17/6/2021 nhằm điều chỉnh các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam; tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
Khi đứng trước các luồng thông tin lệch lạc, sai trái, chống phá Đảng và Nhà nước, người Đảng viên chân chính không thể có thái độ lãnh đạm, thờ ơ như không có gì xảy ra theo kiểu “miễn người không chạm đến ta thì ta không chạm đến người” mà phải có tinh thần dấn thân, không ngại khó, không ngại đấu tranh. Đối với các trường hợp nhận thức chưa đúng, phát ngôn và hành động trái với chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,…thì người Đảng viên cần tích cực trao đổi, đối thoại trong tâm thế giúp đỡ; tuyên truyền, thuyết phục để hướng các trường hợp này nhận thức ra vấn đề, từ đó khắc phục, sửa chữa. Không dùng những ngôn từ bạo lực, thái độ hằn học để đáp trả, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Song song đó, phản bác văn minh và rõ ràng các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và công lao, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất nước nhà; phản bác các quan điểm phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đối với các trường hợp nhận diện ra các thế lực phản động xâm nhập, truyền bá những thông tin sai lệch, bóp méo trên mạng xã hội, trên các diễn đàn, người Đảng viên phải nắm bắt thông tin thật cẩn trọng, báo cáo về cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, xử lý.
Đôi lời kết
Nhà báo Thomas L. Friedman trong buổi ra mắt bản cập nhật cuốn “Thế giới phẳng” (tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 09/5/2014) từng phát biểu:
“Các bạn Việt Nam chạy 500 dặm/giờ cũng được, 5 dặm/giờ cũng được, nhưng điều quan trọng là các bạn phải chạy. Nếu các bạn đứng yên, thế giới sẽ bỏ qua các bạn.”
Đó là sự thật, chúng ta chỉ có thể tiến tới không ngừng trong dòng chảy phát triển, điều này mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Đối với hệ tư tưởng chính trị, chúng ta có cơ hội để kiểm nghiệm, đánh giá toàn diện, cải thiện ngày một tốt hơn con đường đã lựa chọn. Song song với đó, chúng ta phải đối diện dồn dập không ngừng với những “cơn giông tố” quan điểm nghịch chiều, tiêu cực, kích động. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng tư tưởng vững chắc, niềm tin son sắt, bản lĩnh kiên cường có thể được ví như “ngọn hải đăng” để chúng ta không lầm đường lạc lối, bảo vệ vững vàng nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động trong và ngoài nước không chỉ hôm nay mà trong cả tương lai./.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
2. Luật Báo chí năm 2016.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tập I.
4. Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
5. Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”.
6. Kỳ Nam (2017), Tuyên y án 10 năm tù với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,
https://nld.com.vn/thoi-su/tuyen-y-an-10-nam-tu-voi-nguyen-ngoc-nhu-quynh-20171130122758258.htm