Thiên Y A Na là thánh mẫu của người Việt, Poh Nư Gar là nữ thần của người Chăm; quá trình giao lưu văn hóa của 2 dân tộc Chăm-Việt đã hình thành truyền thuyết thánh mẫu Thiên Y A Na Poh Nư Gar giáng trần trên núi Đại An và hiển thánh ở Tháp Bà, từ xưa trong dân gian lưu truyền câu sấm: “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển Thánh”.
Bút ký của Thượng thư bộ lễ Phan Thanh Giản (năm 1858), ghi rằng: thủa xưa có hai vợ chồng người tiều phu nghèo lên núi Đại An dựng nhà, vỡ đất trồng dưa, dưa chín thường hay bị mất. Một hôm, ông tiều bắt gặp một bé gái trạc mười tuổi hái dưa rồi đùa giỡn dưới trăng. Thấy bé gái dễ thương, hai ông bà vốn không có con nên đón về nuôi và thương yêu như con ruột. Nhưng hai ông bà không biết đó chính là tiên nữ giáng trần. Một lần bị cha la mắng, nhân thấy khúc kỳ nam trôi theo dòng nước, tiên nữ biến thân vào khúc kỳ nam, để mặc cho sóng đưa đẩy...Kỳ nam trôi ra biển, rồi dạt vào đất Trung Hoa, mùi hương bay ngào ngạt, dân chúng đến xem rất đông nhưng không ai nhấc nổi khúc gỗ lạ lùng ấy, duy chỉ có Thái tử Bắc Hải đưa được gỗ kỳ nam về cung. Vào cung, tiên nữ hoá kiếp và tự xưng tên là Thiên Y A Na, sau đó kết duyên cùng Thái tử. Ngày tháng trôi qua, nỗi nhớ quê hương ngày càng lớn, Thiên Y A Na tạm biệt chồng, bồng hai con nhập vào khúc kỳ nam trở về chân núi Đại An. Nhưng bấy giờ, vợ chồng người tiều phu đã qua đời. Thiên Y A Na bèn xây đắp mồ mả cha mẹ và sửa sang nhà cửa để thờ tự. Trước cảnh dân làng lạc hậu, nghèo đói, Bà không ngần ngại đem tất cả những gì đã học được từ nền văn minh Trung Hoa truyền dạy cho dân làng khai hoang, cày cấy, trồng bông, kéo sợi, dệt vải,... ruộng đồng nhờ vậy mà tốt tươi và làng xóm nhờ vậy mà sung túc, vui vẻ. Sau khi hoàn thành sứ mệnh cao cả, theo lệnh “nhà Trời”, Mẹ xứ sở cùng với hai con trở về cõi tiên.
Trong tâm tưởng của người dân, Thiên Y A Na là một phụ nữ giỏi giang, nhân đức, hiếu thảo... và hơn thế Mẹ xứ sở đã hy sinh tình riêng để tạo dựng cơ nghiệp nước nhà. Dân làng xây am, tạc tượng thờ Mẹ xứ sở trên núi Đại An và hàng năm, cứ đến ngày Mùng 1 tháng 3 Âm lịch mọi người rủ nhau hành hương về Am Chúa dâng lễ, múa hát, tưởng nhớ công ơn trời bể của Mẹ xứ sở.

(Ảnh: các em học sinh dọn vệ sinh trước ngày diễn ra Lễ hội)
Lễ hội Am Chúa do người dân địa phương tổ chức, nghi lễ dâng hương, cúng kính như một lễ hội thuần Việt. Phần hội kéo dài suốt 3 ngày (từ sáng sớm Mùng 1 đến tối Mùng 3 tháng 3 Âm lịch).
Ban Tuyên giáo Huyện ủy